Quốc vương Phổ Wilhelm_I,_Hoàng_đế_Đức

Lễ đăng quang của Wilhelm I ở Lâu đài Königsberg.

Ngày 2 tháng 1 năm 1861, Friedrich Wilhelm IV mất. Wilhelm lên ngôi quốc vương, hiệu là Wilhelm I. Ngày 14 tháng 7 năm 1861, khi tân vương đi điều dưỡng tại Baden-Baden, một sinh viên mang tên Oskar Becker đã mưu sát ông vì coi ông là một cản trở đối với sự thống nhất nước Đức. Nhưng nhà vua chỉ bị thương nhẹ và Becker bị bắt giữ.[3][32] Theo gương vua khai quốc Friedrich I, Wilhelm I đến Königsberg và tại đây ông làm lễ gia miện ở Nhà thờ Lâu đài (Schlosskirche).[10] Wilhelm chọn ngày 18 tháng 10 – ngày kỷ niệm chiến thắng Leipzig để tổ chức sự kiện này, lễ gia miện đầu tiên của quốc vương Phổ kể từ năm 1701 và cũng là lễ gia miện duy nhất của một ông vua Đức vào thế kỷ 19.[3] Cuộc đăng quang đã khẳng định bản chất "nửa chuyên chế, nửa lập hiến" của nhà nước quân chủ Phổ thời bây giờ. Một mặt, cuộc đăng quang khẳng định niềm tin vững chắc của Wilhelm I vào thần quyền của nền quân chủ. Mặt khác, buổi lễ cũng gây cho nhiều người bảo thủ thất vọng vì cho thấy quyết định của tân vương nhằm bãi bỏ các nghi lễ tuyên thệ trung thành truyền thống của Phổ. Quyết định này phản ánh rõ rệt ý muốn của những người tự do, vì theo họ, các nghi lễ tuyên thệ trung thành – vốn gắn liền với chế độ quân chủ chuyên chế cũ – đã không còn thích hợp trong thời đại mới của hiến pháp và nghị viện này.[16][33] Wilhelm cũng từ chối tuân theo ước nguyện cuối cùng của tiên vương nhằm xóa bỏ hiến pháp.[3]

Trong thời gian này, các trung đoàn mới, được thành lập trong một cuộc tái cấu trúc mà chưa được chấp thuận về luật pháp, đã nhận được từ Wilhelm các lá hiệu kỳ của mình dưới hình thức phô trương[16]. Ông được xem là người quân nhân tận tụy nhất trong các vua Phổ kể từ sau Friedrich Đại đế.[29] Tháng 6 năm 1861, căng thẳng giữa Vương triều với Viện Dân biểu đã lên cao khi Wilhelm từ chối nhìn nhận một khoản ngân sách tài chính mới mà Quốc hội duyệt cho quân đội là "tạm thời". Thái độ bất chấp của chính phủ đã làm suy nhược ý chí của những người tự do cao niên và họ tìm kiếm sự hòa giải ở bất kỳ một cái giá nào. Trái lại, trong tâm trạng bất mãn, một số người tự do tiến bộ hơn đã tách ly khỏi đảng Tự do cũ đã thành lập Đảng Tiến bộ Đức vào tháng 6 năm 1861 để tăng cường sự chống đối của mình với chính sách "quân phiệt hóa" của nhà vua. Đảng này kiên quyết đấu tranh nhằm bảo vệ sự kiểm soát của dân chúng đối với lực lượng dân quân và ngăn chặn việc mở rộng thời hạn nghĩa vụ quân sự. Trong các cuộc bầu cử tháng 12 năm 1861, Đảng Tiến bộ gần như đánh bại hoàn toàn những người bảo thủ và giành được nhiều ghế từ đảng Tự do cũ. Khi Viện Dân biểu mới này tỏ ra cứng đầu hơn tiền nhiệm của mình, Wilhelm I đã giải tán viện và kêu gọi bầu cử lại. Kết quả của các cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 năm 1862 còn gây cho nhà vua thất vọng hơn cả năm trước. Đến tháng 9 năm đó, mâu thuẫn giữa Quốc vương và Viện Dân biểu lên tới đỉnh điểm khi viện tranh luận về vấn đề ngân sách năm tới. Chính quyền mới của Wilhelm, giờ đây chỉ bao gồm những nhân vật bảo thủ dưới sự lãnh đạo của Vương tước Adolf zu Hohenlohe Ingelfingen, hiểu rằng Viện Dân biểu tuyệt đối không chấp nhận cải cách mở rộng quân đội của nhà vua và cảm thấy những hành động của mình là không hợp pháp, hợp hiến. Một bộ phận trong số họ đã lên tiếng yêu cầu nghị hòa, và thậm chí Roon cũng nằm trong số này ở một thời gian ngắn. Tình hình cho thấy rằng Đảng Tiến bộ sẽ nghị hòa và chấp nhận kế hoạch về dân quân của triều đình nếu như triều đình từ bỏ kế hoạch tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự của mình.[24][30][34]

Đường lối của Bismarck

Wilhelm I và Bismarck

Nhưng Wilhelm dứt khoát không chịu thương lượng. Với niềm tin sắt đá của mình vào quyền kiểm soát quân đội như một đặc quyền của nhà vua, ông chỉ có một sự lựa chọn đơn giản: ông dự định thoái vị để truyền ngôi cho Thái tử Friedrich Wilhelm, một người theo chủ nghĩa tự do. Thậm chí Wilhelm đã soạn thảo chiếu thoái vị, nhưng ý định này bị phản đối mạnh mẽ bởi Friedrich Wilhelm, người đã khuyên phụ vương giải quyết khủng hoảng. Bên cạnh đó, Quốc vương không muốn đẩy đất nước vào một cơn binh lửa, do đó ông phản bác yêu cầu đảo chính quân sự của những người như tướng Manteuffel. Bị hoang mang, Roon phải tìm đến một cơ hội cuối cùng để vãn hội tình hình. Đó là việc thay đổi chính quyền và hiệu triệu một người có thể thay đổi cục diện với phần thắng thuộc về nhà vua đến Berlin: người đấy là Otto von Bismarck, một quý tộc địa chủ bảo thủ. Vào ngày 18 tháng 9 năm 1862, một ngày sau khi Roon đứng về phía các đại thần "chủ hòa" và Wilhelm đe dọa thoái vị trong một hội đồng hoàng gia, Roon gửi đến Bismarck một thông điệp ngắn gọn bằng tiếng PhápLatinh với chữ ký nặc danh: "Periculum in mora. Dépêchez-vous" (đại ý thúc giục Bismarck về Berlin gấp chứ không thể trì hoãn). Chán ghét "tên điên Bismarck" và sợ ông này sẽ kích động bạo lực, nhà vua đã chấp thuận đề xuất của Roon một cách bất đắc dĩ. Chiều ngày 22 tháng 9 năm 1862, Bismarck vào cung yết kiến nhà vua. Buổi yết kiến đã thúc đẩy Wilhelm quyết định không từ bỏ ngai vàng và bổ nhiệm Bismarck làm Thủ tướng.[4][24][34]

Theo Hiến pháp Phổ, chức danh Thủ tướng chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp với Quốc vương, không tuân theo Nghị viện. Hiểu được tâm lý của quân vương, Bismarck luôn giữ phận bề tôi như thời phong kiến. Tuy nhiên, chính Bismarck mới là người chỉ đạo sự vụ quốc gia, từ đối nội đến đối ngoại. Nhiều lần, ông đã buộc vua phải đồng thuận bằng cách dọa từ chức.[35]

Sau khi chỉ định một nhóm người bảo thủ ra lập chính phủ, Bismarck giải quyết mâu thuẫn giữa vua và nghị viện bằng một phương pháp đơn giản: chính phủ sẽ điều khiển tình hình bất chấp phản ứng của quốc hội. Bismarck cử người đi thu thuế để đóng góp chi phí quân đội, và biện minh rằng trong hiến pháp có những "lỗ hổng" tạo điều kiện cho ông hành động. Bismarck cũng hơn một lần giải tán nghị viện và kêu gọi bầu cử lại. Mỗi khi sự ủng hộ của công chúng với các đối thủ tự do của ông gia tăng, Bismarck lại có được chỗ dựa ở nhà vua, người giờ đây đang thực hiện các cải cách quân sự của mình. Năm 1863, trong một chiến dịch bầu cử, Bismarck lại ban bố sắc lệnh tăng cường kiểm duyệt báo chí.[34] Sự phản kháng của Thái tử đối với chính sách này đã khiến cho Quốc vương nổi giận.[36] Do vậy, Quốc vương không cho phép con mình có một địa vị chính trị nào trong suốt triều đại của mình.[13] Bên cạnh đó, trái với ý muốn của vua, Bismarck cũng theo đuổi một chính sách ngoại giao mạo hiểm nhằm thống nhất nước Đức bằng hàng loạt cuộc chiến tranh.[30]

Chiến tranh Schleswig lần thứ hai

Vào năm 1863, mâu thuẫn về vấn đề kiểm soát Schleswig-Holstein, hai vùng lãnh thổ có phần đông dân số là người Đức, lên cao khi nghị viện Đan Mạch quyết định sáp nhập hai vùng này vào lãnh thổ của mình. Các cường quốc không thể giải quyết vấn đề, và Bismarck, được sự liên minh của Áo, đã phát động cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ hai chống Đan Mạch.[4] Vua Wilhelm I bước vào cuộc chiến trên cương vị là Tổng tư lệnh quân đội Phổ.[3] Cuối tháng 4, liên quân Áo-Phổ chiếm được Schleswig.[30] Sau khi quân Phổ dưới sự thống lĩnh của người cháu gọi vua bằng bác là Thân vương Friedrich Karl, thực hiện một kế hoạch táo bạo của Moltke, đổ bộ lên chiếm đảo Alsen vào ngày 29 tháng 6 năm 1864, ý chí của người Đan Mạch bị tan vỡ. Đan Mạch buộc phải yêu cầu ngừng bắn và tiến hành đàm phán hòa bình. Vào ngày 30 tháng 10 năm 1864, hòa ước được ký kết tại Viên theo đó Schleswig, Holstein và Lauenburg thuộc về Áo - Phổ.[34]

Cuộc chiến là cơ hội đầu tiên để khẳng định thành quả của các cải cách quân sự của nhà vua, và đem lại một số ý nghĩa quan trọng cho Phổ. Quân đội Phổ đã có được một số kinh nghiệm thực chiến cần thiết, và kiến trúc sư trưởng của chiến thắng – Moltke – đã khẳng định thực lực của mình với quân vương. Thêm vào đó, cuộc tấn công thắng lợi của các đạo quân Phổ vào thành lũy kiên cố của Đan Mạch ở Düppel ngày 18 tháng 4 năm 1864 đã khơi dậy tinh thần yêu nước của người Phổ và làm suy nhược sự chống đối của phe tự do.[4]

Chiến tranh Bảy tuần

Mối quan hệ được cải thiện giữa Phổ và Áo, thành quả của cuộc chiến chống Đan Mạch, đã mau chóng đổ vỡ do mâu thuẫn về việc kiểm soát Schleswig và Holstein. Đồng thời, chính quyền Bismarck muốn buộc Áo khẳng định bá quyền của Phổ ở miền Bắc Đức. Để chuẩn bị chiến tranh, Thủ tướng cô lập Áo về ngoại giao và thiết lập liên minh với Ý vào tháng 4 năm 1866. Để đáp trả, vào ngày 1 tháng 6 năm 1866, Áo kiến nghị Nghị viện Liên minh các quốc gia Đức ban hành giải pháp cuối cùng đối với tình hình Schleswig-Holstein. Phổ tuyên bố yêu cầu này vi phạm Thỏa ước Gastein. Ngày 14 tháng 6, khi phần lớn các quốc gia Liên minh Đức đồng ý đứng về phía Viên khai chiến chống Berlin, đại biểu Phổ tuyên bố giải thể Liên minh. Vào ngày 16 tháng 6, trong bài tuyên cáo "Hỡi người dân Đức của ta", Wilhelm I lên án Liên minh chia rẽ Đức và tuyên bố Phổ "quyết định gánh vác cuộc đấu tranh vì nền thống nhất dân tộc Đức giờ đang bị ngăn cản bởi quyền lợi riêng của các bang đơn lẻ".[4][30][37]

Cảnh Wilhelm I trao cho Thái tử Huân chương Thập tự Xanh trong trận Königgrätz, họa phẩm của Emil Hünten.

Cùng ngày một tập đoàn quân Phổ dưới sự chỉ huy của tướng Eduard Vogel von Falckenstein đã tràn vào các bang ở phía Bắc. Các lực lượng Phổ đánh chiếm nhanh chóng các bang này và vào ngày 28 tháng 6, Hannover bị buộc phải đầu hàng. Nhưng các hoạt động ở phía Đông mới quyết định đến cục diện của cuộc chiến[29][37]: ngày 18 tháng 6, triều đình Berlin tuyên chiến với các quốc gia còn lại của Liên minh, trong đó có Áo.[38] Trái với truyền thống từ thời Friedrich Đại đế rằng nhà vua là người tổng chỉ huy tối cao duy nhất của na quân, Wilhelm đã trao cho Moltke thực quyền chỉ đạo chiến dịch vào ngày 2 tháng 6 năm 1866 khi ông cho phép vị tướng được ban bố mệnh lệnh trên danh nghĩa nhà vua. Từ đây, Moltke đứng ngang hàng với Bismarck và cùng nhà vua điều khiển các hoạt động tác chiến. Moltke tổ chức ba mũi tấn công vào lãnh thổ Böhmen của vương triều Áo. Ngày 30 tháng 6, nhà vua và Moltke đến Böhmen để trực tiếp chỉ huy chiến dịch.[29][37][39] Trong trận đánh quyết định ở Königgrätz-Sadowa ngày 3 tháng 7, nhà vua đã dong ngựa qua các trung đoàn để động viên sĩ khí ba quân. Sự dấn thân của ông vào lửa đạn đã gây cho các võ tướng hoảng hốt. Tập đoàn quân số 1 của Friedrich Karl đã cận kề thất bại khi mà sự tiếp viện kịp thời của Tập đoàn quân số 2 do Thái tử thống lĩnh xoay chuyển tình hình và đem lại thắng lợi quyết định cho Phổ.[40]

Sau chiến thắng, mâu thuẫn nảy sinh giữa Quốc vương và Thủ tướng. Trong niềm vui chiến thắng, Wilhelm chủ trương sáp nhập lãnh thổ từ Áo và Bayern, đồng thời tổ chức diễu binh khải hoàn ở Viên. Nhưng, với tầm nhìn chính trị-ngoại giao lâu dài của mình, Bismarck không muốn lăng nhục Áo quá mức và phản kháng gay gắt. Những cảnh tượng bão táp đã diễn ra giữa hai vị nguyên thủ. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của Thái tử – một người có tư tưởng phản chiến, Bismarck đã buộc Wilhelm phải từ bỏ tham vọng của ông. Theo Hòa ước sơ bộ NikolsburgHòa ước Praha sau đó, Áo không bị mất một lãnh thổ nào về tay Phổ, nhưng bị loại khỏi Đức. Liên minh các quốc gia Đức bị giải tán, và phần lớn các bang Bắc Đức (trong đó có Schleswig và Holstein) bị sáp nhập vào lãnh thổ Phổ.[34][40] Tháng 9 năm 1866, Wilhelm I, Bismarck, Moltke và Roon ca khúc khải hoàn trở về kinh đô Berlin trong sự chào đón nồng nhiệt của dân chúng.[1][41]

Tháng 8 năm 1866, một liên minh quân sự của các bang còn lại ở Bắc Đức dưới sự bá quyền của Phổ được hình thành, đặt nền móng cho sự ra đời của Liên bang Bắc Đức vào năm 1867. Wilhelm I giờ đây là Chủ tịch, Bismarck là Thủ tướng Liên bang Bắc Đức.[3][42] Ngoài ra, thắng lợi toàn diện của Phổ trong chiến tranh 1866 cuối cùng đã đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giữa Quốc vương và phe tự do chủ nghĩa với phần thắng thuộc về Quốc vương.[4][34]

Chiến tranh Pháp-Đức

Bài chi tiết: Chiến tranh Pháp-Phổ
Tướng Pháp Reille nộp thư xin hàng của Napoléon III cho Wilhelm I trong trận Sedan, tranh của Carl Steffeck.

Sau thất bại của Áo năm 1866, sự trỗi dậy của nước Phổ dưới triều Wilhelm I đã trở thành mối bận tâm cho nước Pháp thời hoàng đế Napoléon III. Về phía Phổ-Đức, Bismarck hiểu rõ một cuộc chiến với Pháp là không thể tránh khỏi để hoàn tất quá trình thống nhất nước Đức bằng vũ lực. Thủ tướng cũng tin chắc rằng các cường quốc châu Âu sẽ giữ trung lập và các bang Nam Đức sẽ ủng hộ Phổ khi có chiến tranh.[42] Thật vậy, khi Chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ vào cuối tháng 7 năm 1870, các nước ở miền Nam Đức đã quy tụ dưới ngọn cờ của quốc vương Phổ. Vào ngày 31 tháng 7 năm 1870, Wilhelm rời Berlin để thân chinh soái lĩnh các đạo quân của người Đức chống nhau với Pháp.[1] Cũng như trong cuộc chiến chống Áo, Moltke là người đề xướng kế hoạch chiến tranh, theo đó quân đồng minh Phổ-Đức được chia làm ba tập đoàn quân tràn vào nước Pháp. Các lực lượng được tổ chức và huấn luyện bài bản của Phổ liên tiếp thắng trận trong suốt sáu tuần giao chiến.[34]

Bảy ngày sau khi Wilhelm vượt biên giới Pháp (11 tháng 8), ông cùng Moltke trực tiếp chỉ huy trận Gravelotte-St. Privat, trận đánh lớn nhất của cuộc chiến, vào ngày 18 tháng 8. Tại đây, các đợt tấn công của Tập đoàn quân số 1 dưới quyền tướng Steinmetz và Tập đoàn quân số 2 dưới quyền Thân vương Friedrich Karl đã bị Tập đoàn quân Rhine chủ lực của Pháp dưới quyền Thống chế Bazaine đẩy lui với thiệt hại hết sức nặng nề.[1][4][43] Dù vậy, sự nhạy bén của lực lượng pháo binh Phổ và thái độ thụ động của Bazaine đã góp phần vãn hồi tình hình cho các đơn vị bộ binh Phổ. Được tăng viện, quân đội Phổ-Đức cuối cùng đã đuổi được quân Pháp về Metz. Ngoại trừ Moltke, mọi thành viên Bộ Tổng Chỉ huy Phổ đều hãi hùng trước cuộc tàn sát ở Gravelotte-St. Privat. Bản thân Wilhelm I hốt hoảng khi ông được tin 8.000 sĩ quan và binh lính của Quân đoàn Vệ binh tinh nhuệ bị loại khỏi vòng chiến. Nhưng trận đánh là một thắng lợi chiến lược lớn của quân đội Đức: Tập đoàn quân Rhine bị bao vây cô lập tại Metz cho đến khi đầu hàng vào ngày 27 tháng 10.[43][44][45]

Cùng với Napoléon III, Thống chế MacMahon mang Tập đoàn quân Châlons đi cứu Bazaine, nhưng vào cuối tháng 8, Moltke đã nắm bắt được cuộc hành quân của MacMahon. Ông liền ra lệnh cho Tập đoàn quân số 3 của Thái tử Phổ và Tập đoàn quân Maas mới được thành lập dưới quyền Thái tử Albert của Sachsen quay ngoặt theo hướng tây-bắc để truy bắt Tập đoàn quân Châlons. Quân Đức đánh bại một bộ phận của tập đoàn quân này trong trận Beaumont, buộc MacMahon phải rút về Sedan.[42][46][47]

Ngày 1 tháng 9 năm 1870, dưới sự thống lĩnh của Wilhelm I và Moltke, các Tập đoàn quân số 3 và Maas đã bao vây tiêu diệt Tập đoàn quân Châlons ở Sedan. Tại đây, các cuộc pháo kích ồ ạt của Đức đã gây cho quân Pháp thiệt hại hết sức nặng nề. Quân Phổ từng bước siết chặt vòng vây và vào buổi chiều, họ đập tan hàng loạt đợt phản công của kỵ binh địch.[48] Tinh thần tấn công dũng cảm của kỵ binh Pháp đã khiến cho Wilhelm bật thốt: "Ôi! Những con người can trường".[49]. Ngày hôm sau (2 tháng 9), Napoléon III và gần 10 vạn dưới quyền đầu hàng và bị bắt làm tù binh. Trận Sedan được nhìn nhận là "thắng lợi lớn nhất của người Đức trước Pháp kể từ sau trận Pavia" (Eulenberg). Hoàng đế Pháp bị giải đến giam trong lâu đài WilhelmsthalKassel và về sau sang sống lưu vong ở Anh. Cũng giống như Karl V trong chiến dịch Pavia, Wilhelm đã bày tỏ sự hào hiệp và tế nhị của mình đối với các kẻ thù bại trận.[34][50] Vào ngày 5 tháng 9, Pháp được tuyên bố là một nước Pháp. Bismarck khuyên vua ngừng tấn công và dàn trận tuyến phòng thủ ở các vị trí hiện tại của mình ở miền Đông Pháp, nhưng nhà vua và Moltke từ chối. Ông điều quân đến vây hãm Paris và thiết lập tổng hành dinh tại điện Versailles[1][51].

Wilhelm I, Bismarck, Moltke, Roon dẫn thương kỵ binh đi thị sát mặt trận, tranh sơn dầu của Emil Volkers (1872).

Mâu thuẫn lại nảy sinh giữa Bismarck và các tướng lĩnh. Mục tiêu của Bismarck trong cuộc chiến là chính trị chứ không phải là quân sự: sự thống nhất nước Đức và thay đổi các liên minh quân sự, trong đó các bang Nam Đức nằm dưới tầm ảnh hưởng của Phổ, thành một thể chế chính trị thống nhất. Nhưng với tầm nhìn quân sự của mình, Moltke đề xuất sáp nhập thành phố Strasbourg, pháo đài Metz, các tỉnh AlsaceLorraine để làm vùng đệm cho nước Đức trước mọi cuộc tấn công từ phía tây trong tương lai. Bismarck đồng ý lấy Strasbourg và Alsace, vốn đã thuộc về Đức hai thế kỷ trước khi bị Louis XIV cướp đoạt, nhưng không muốn lấy Metz và Lorraine vì dân số ở đây đa phần là người Pháp. Nhà vua ủng hộ ý kiến của Moltke và ông quyết định sáp nhập cả Alsace lẫn Lorraine vào nước Đức thắng trận.[51]

Tại Versailles, về mặt danh nghĩa, nhà vua chỉ đạo các chiến dịch quân sự và các cuộc đàm phán chính trị dẫn tới sự kiến lập Đế quốc Đức. Trên thực tế, Bismarck là người tổ chức các cuộc đàm phán này, nhằm thuyết phục các quốc gia Nam Đức gia nhập đế quốc Đức mới. Bất chấp nhiều sự phản đối, đặc biệt là từ Thái tử Friedrich, Bismarck chấp thuận xây dựng một nhà nước liên bang trong đó các quốc gia bên ngoài Phổ giữ được nhiều quyền lợi đáng kể.[52] Và, Đế quốc Đức đã được thành lập dưới sự trị vì của Hoàng đế Wilhelm I vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, khi mà nước Pháp đã cầm chắc thất bại.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Wilhelm_I,_Hoàng_đế_Đức http://books.google.com/books?id=ZGdkAAAAMAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?isbn=0521497523 http://www.historynet.com/the-day-of-doom-the-batt... http://www.imdb.com/title/tt0032255/ http://www.imdb.com/title/tt0034704/ http://www.tvguide.com/celebrities/maurice-denham/... http://www.dhm.de/lemo/html/biografien/WilhelmI/in... http://www.dhm.de/lemo/html/kaiserreich/aussenpoli... http://www.dhm.de/lemo/html/reaktion/deutscherbund... http://books.google.de/books?id=dSWDAAAAMAAJ&q=%22...